Đăng ký bảo hộ website như thế nào và ở đâu? Hướng dẫn đăng ký bản quyền website nhanh chóng, dễ dàng, hiệu quả.
Đăng ký bản quyền website như thế nào? Nếu như bạn đang muốn đăng ký bảo hộ website nhưng chưa biết nên bắt đầu từ đâu và được quy định ra sao. Bài chia sẻ sau của VietbaiC sẽ cùng bạn giải đáp chi tiết nhất!
Các hình thức đăng ký bản quyền website
Quyền tác giả của website được bảo vệ theo hai hình thức sau:
- Dựa trên Khoản 2 Điều 13 của Nghị định 22/2018/NĐ-CP, website có thể đăng ký bảo hộ giao diện của mình dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.
- Theo Khoản 1 Điều 22 của Luật Sở hữu Trí tuệ hiện hành, Chương trình máy tính được định nghĩa là một tập hợp các chỉ dẫn được biểu diễn dưới dạng lệnh, mã, biểu đồ hoặc dạng khác, khi được gắn vào một phương tiện hoặc thiết bị được vận hành bằng ngôn ngữ lập trình máy tính, có khả năng làm cho máy tính hoặc thiết bị thực hiện được công việc hoặc đạt được kết quả cụ thể. Do đó, chương trình máy tính được bảo hộ như một tác phẩm văn học, bất kể có thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.
Đăng ký bản quyền website ở đâu?
Khách hàng có thể nộp hồ sơ đăng ký bản quyền website cho cả giao diện và mã nguồn tại Cục bản quyền tác giả có trụ sở chính tại Hà Nội hoặc tại hai văn phòng đại diện của Cục tại TPHCM và Đà Nẵng.
Hồ sơ đăng ký có thể nộp qua hai phương thức là nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện. Tuy nhiên để đảm bảo khả năng đăng ký thành công khách hàng nên nộp trực tiếp hoặc ủy quyền cho một đơn vị dịch vụ chuyên nghiệp nộp đơn.
Địa chỉ nộp hồ sơ đăng ký bản quyền website:
- Tại Hà Nội: Phòng Thông tin Quyền tác giả – Cục Bản quyền tác giả Địa chỉ: Số 33 Ngõ 294/2 phố Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 024 3823 6908
- Tại thành phố Hồ Chí Minh: Văn phòng Đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP. Hồ Chí Minh: Địa chỉ: Số 170 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Điện thoại: 028.39 308 086
- Tại thành phố Đà Nẵng: Văn phòng Đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP. Đà Nẵng: Địa chỉ: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Điện thoại: 0236.3 606 967
Hồ sơ đăng ký bản quyền website bao gồm những gì?
Tùy theo hình thức đăng ký bảo hộ website mà khách hàng cần chuẩn bị bộ hồ sơ tương ứng.
Hồ sơ đăng ký bản quyền giao diện website
Hồ sơ bao gồm:
- Đơn đăng ký bản quyền giao diện website;
- Cam đoan của tác giả viết giao diện do mình sáng tạo ra và không sao chép của bất kì ai;
- Tuyên bố của tác giả về chủ sở hữu tác phẩm (áp dụng trong trường hợp tác giả kiêm chủ sở hữu);
- Quyết định của công ty giao việc cho tác giả sáng tạo ra giao diện website (trong trường hợp công ty là chủ sở hữu website); hoặc hợp đồng thuê bên khác sáng tạo website;
- 02 bản in giao diện website trên giấy A4;
- Bản sao chứng minh nhân dân/căn cước công dân/thẻ căn cước/hộ chiếu của tác giả;
- Bản sao chứng minh thư của chủ sở hữu (cá nhân) hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty (pháp nhân).
- Đơn đăng ký website dưới hình thức chương trình máy tính
Hồ sơ đăng ký bản quyền chương trình máy tính
Bộ hồ sơ bao gồm:
- Đơn đăng ký bản quyền chương trình máy tính;
- 02 đĩa CD chứa code của website;
- 02 bản in code website kèm theo giao diện trang chủ;
- Cam đoan của tác giả về việc tự viết code website, không sao chép của bất kì cá nhân/tổ chức nào;
- Quyết định giao việc cho nhân viên ra code website (trong trường hợp tác giả là nhân viên công ty) hoặc hợp đồng thuê bên ngoài thiết kế (trường hợp thuê bên thứ 3 tiến hành);
- 01 bản sao chứng minh thư nhân dân của tác giả;
- 01 bản sao chứng minh thư nhân dân của chủ sở hữu website (cá nhân) hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của chủ sở hữu website (pháp nhân)
Hướng dẫn thủ tục đăng ký bản quyền nội dung website
Quy trình, thủ tục đăng ký bản quyền cho website sẽ bao gồm các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Tác giả hoặc chủ sở hữu hoàn thiện hồ sơ đăng ký bản quyền website lựa chọn một trong hai hoặc cả hai hình thức bảo hộ: tác phẩm nghệ thuật ứng dụng hoặc chương trình máy tính.
Bước 2: Nộp đơn đăng ký bản quyền
Tiến hành nộp đơn trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu điện. Lựa chọn một trong ba địa điểm nộp hồ sơ dưới đây:
- Trụ sở Cục Bản quyền tác giả tại Hà Nội: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.
- Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh: 170 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Đà Nẵng: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng.
Bước 3: Chờ xét duyệt xử lý hồ sơ
- Sau khi nhận hồ sơ hợp lệ, trong thời gian từ 10 – 15 ngày làm việc cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc bị từ chối, cơ quan quản lý sẽ thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn. Khách hàng có thể tiến hành sửa đổi bổ sung và nộp lại hồ sơ.
Phí đăng ký bảo hộ bản quyền website
Theo quy định của Điều 40 của Nghị định 22/2018/NĐ-CP và Thông tư 211/2016/TT-BTC, tổ chức và cá nhân khi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả và giấy đăng ký quyền liên quan đến tác giả phải nộp phí như sau:
- Đối với đăng ký bản quyền website dưới hình thức tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, mức phí là 400.000 đồng.
- Đối với đăng ký bản quyền website dưới hình thức chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu hoặc các chương trình chạy trên máy tính, mức phí là 600.000 đồng.
Các mức phí này áp dụng cho việc cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả lần đầu. Trong trường hợp cần xin cấp lại, mức thu sẽ là 50% của mức thu lần đầu.
Trên đây VietbaiC đã hướng dẫn và giải đáp chi tiết về thủ tục đăng ký bản quyền website và các vấn đề có liên quan. Bạn đã hoàn tất đăng ký bảo hộ cho trang web hay chưa? Thực hiện ngay nếu bạn cần bảo hộ trang web một cách chuyên nghiệp nhé!